Bác sĩ phẫu thuật mạch máu là ai ?
Bác sĩ phẫu thuật mạch máu là các chuyên gia được đào tạo chuyên sâu để điều trị các vấn đề liên quan đến hệ thống mạch máu của cơ thể người , bao gồm các động mạch, tĩnh mạch và mạch bạch huyết.
Bác sĩ phẫu thuật mạch máu không chỉ làm công việc phẫu thuật. Họ tư vấn, đưa ra lời khuyên cho các bệnh nhân về các cách khác nhau để điều trị bệnh mạch máu, bao gồm sử dụng thuốc hoặc chế độ ăn, tập luyện và thay đổi lối sống.
Bác sĩ phẫu thuật mạch máu làm gì ?
Bác sĩ phẫu thuật mạch máu thực hiện điều trị nhiều loại bệnh liên quan hệ thống mạch máu, từ các thủ thuật không xâm lấn cho đến những phẫu thuật phức tạp. Họ điều trị tất cả các động mạch và tĩnh mạch trong cơ thể ngoại trừ phần tim và não, những vị trí này thuộc về các chuyên khoa khác.
Bác sĩ phẫu thuật mạch máu thường ưu tiên lựa chọn các cách điều trị có sẵn và tốt nhất cho bệnh nhân. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp phẫu thuật không hẳn là giải pháp tốt nhất.
Bác sĩ phẫu thuật mạch máu được đào tạo như thế nào ?
Các bác sĩ phẫu thuật mạch máu được đào tạo rất lâu dài để điều trị các bệnh liên quan hệ thống tuần hoàn của cơ thể.
Hệ thống đào tạo y khoa của các nước khác nhau là khác nhau. Tổng thời gian đào tạo là từ 12-15 năm từ khi bước vào trường y. Hiện nay, tại Việt Nam, các bác sĩ phẫu thuật mạch máu trải qua các bước đào tạo như sau :
- Bác sĩ đa khoa : 06 năm
- Nội trú (03 năm), hoặc thạc sĩ (02 năm), hoặc chuyên khoa cấp I (02 năm). Các chương trình này đều đào tạo ngoại khoa chung, học viên sẽ lựa chọn chuyên ngành sâu và chọn thầy hướng dẫn đề tài liên quan đến chuyên ngành phẫu thuật Tim mạch – Lồng ngực. Riêng Chuyên khoa cấp I không phải làm luận văn tốt nghiệp.
- Nghiên cứu sinh tiến sĩ (3-7 năm), chuyên khoa cấp II (02 năm) : đây là bậc đào tạo cao nhất với điều kiện bắt buộc là các học viên đã có kinh nghiệm và thời gian thực hành chuyên khoa phẫu thuật Tim mạch – Lồng ngực.
- Ngoài ra , điều kiện bắt buộc để hành nghề với các bác sĩ phẫu thuật mạch máu là chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh ngoại khoa do Bộ Y tế hoặc Sở Y tế các tỉnh cấp sau khi đủ điều kiện về bằng cấp chuyên khoa lẫn thời gian thực hành đúng chuyên môn.
- Bác sĩ phẫu thuật mạch máu còn liên tục tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu, chuyên đề, đào tạo liên tục (CME) về các bệnh lý liên quan đến phẫu thuật và can thiệp mạch máu.
Bác sĩ phẫu thuật mạch máu điều trị những bệnh phổ biến nào ?
- Phình, tách động mạch (Aneurysm) : tình trạng thành động mạch suy yếu và phình giãn
- Xơ vữa mạch (Atherosclerosis) : các mảng xơ vữa tích tụ trong lòng mạch dẫn đến cản trở sự lưu thông của dòng máu.
- Bệnh động mạch cảnh (Carotid artery disease) : là động mạch chính cấp máu cho não, khi động mạch cảnh bị hẹp do xơ vữa hoặc phình, bệnh nhân có nguy cơ tai biến mạch máu não, các bác sĩ phẫu thuật mạch máu sẽ tiến hành phẫu thuật hoặc can thiệp.
- Huyết khối tĩnh mạch sâu (Deep vein thrombosis) : cục máu đông làm tắc các tĩnh mạch sâu, ví dụ như ở chân.
- Bệnh động mạch ngoại biên (Peripheral artery disease) : hẹp, tắc các động mạch ở chân hoặc tay.
- Phẫu thuật tạo nối thông động tĩnh mạch (FAV) hay cầu tay để chạy thận nhân tạo
- Suy giãn tĩnh mạch (Varicose veins) : các búi tĩnh mạch giãn ở chân gây đau tức chân
- Chấn thương, vết thương các mạch máu.
Khi nào bạn cần khám bác sĩ phẫu thuật mạch máu ?
Các bác sĩ gia đình, bác sĩ đa khoa, bác sĩ tại các tuyến y tế cơ sở, bác sĩ các chuyên khoa khác có thể sẽ hướng dẫn quý vị đến khám bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật mạch máu nếu thấy tình trạng bệnh của quý vị có dấu hiệu và triệu chứng liên quan bệnh mạch máu. Ví dụ, đau tức ở chân có thể là bệnh động mạch ngoại biên hoặc suy giãn tĩnh mạch.
Ngoài ra, những người có bệnh lý mạn tính hoặc lối sống có thể ảnh hưởng đến mạch máu như đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì, hút thuốc lá nên được khám tầm soát bệnh mạch máu định kỳ.
Bạn mong chờ điều gì khi đi khám bác sĩ phẫu thuật mạch máu ?
Trong lần hẹn khám đầu tiên, bác sĩ phẫu thuật mạch máu sẽ hỏi quý vị về tình trạng sức khỏe cũng như tiền sử gia đình. Quý vị cần mang các đơn thuốc đang điều trị và các kết quả xét nghiệm, chiếu chụp trong những lần khám gần đây, ví dụ như kết quả xét nghiệm máu, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, các kết quả siêu âm.
Quý vị nên mặc quần áo có thể dễ cởi để nếu cần thay quần áo bệnh viện khi các bác sĩ thăm khám.
Sau khi trao đổi về bệnh sử của quý vị, bác sĩ phẫu thuật mạch máu sẽ tiến hành thăm khám các bộ phận có vấn đề. Bác sĩ sẽ trao đổi về hướng chẩn đoán và kế hoạch điều trị dự kiến. Nó bao gồm các xét nghiệm cần làm thêm, thay đổi lối sống, thuốc điều trị, phẫu thuật, can thiệp hoặc phối hợp các biện pháp điều trị với nhau.
Tài liệu tham khảo:
https://www.webmd.com/a-to-z-guides/what-is-vascular-surgeon
American Medical Association: “Vascular Surgery Specialty Description.”
Johns Hopkins Medicine: “Overview of the Vascular System.”
UPMC: “What Is a Vascular Surgeon?”
OSU Wexner Medical Center: “What is vascular disease?”
Society for Vascular Surgery: “How to Prepare for an Appointment with a Vascular Surgeon.”
Society for Vascular Surgery: “Vascular Surgery Training Pathways.”
Society for Vascular Surgery: “What is a Vascular Surgeon?”